Nhắc tới loại hình văn hóa phi vật thể thì không thể không nhắc tới quan họ Bắc Ninh. Những làn điệu quan họ đã ghi dấu theo thời gian. Và dưới đây hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những làn điệu hát quan họ Bắc Ninh nhé!
Nội dung tóm tắt
Dân ca quan họ Bắc Ninh là gì?
Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một hình thức hát giao duyên giữa các liền anh liền chị. Đây là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng.
Trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the của những liền anh và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bẩy, đầu đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm, cách hát theo lối truyền thống không cần nhạc đệm mà vẫn đầy chất nhạc, thể hiện nét văn hóa tinh tế của người hát Quan họ.
Xem ngay: 10 loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo để biết thêm về nghệ thuật
Theo Giáo sư Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo, trong sách “Kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam” có thể chia hát quan họ thành những dạng sau
- Hát quan họ ở hội còn gọi là hát Hội.
- Hát quan họ ở đám còn gọi là hát Mừng.
- Hát quan họ ở cửa đình, cửa đền còn gọi là hát Thờ hát Cầu.
- Hát quan họ tại nhà giữa hai nhóm quan họ trai gái mời nhau còn gọi là hát Canh.
Trong các dạng hát quan họ kể trên, hát hội và hát canh là hai hình thức hát quan họ nổi bật có giá trị văn hóa cao.
Làn điệu quan họ
Làn điệu trong quan họ là vô cùng phong phú : la rằng, đường bạn kim loan, cây gạo, giã bạn, hừ la, la hới, tình tang, cái ả, lên núi, xuồng song, cái hồ, gió mát trăng thanh, tứ quý,… Một cuộc hát quan họ hay một canh hát bao giờ cũng có ba chặng. Chặng mở đầu thuộc về giọng lề lối, hát chừng mười bài giọng lề lối họ chuyển sang giọng sổng để vào chặng giữa, các bài ở chặng giữa là ở giọng vặt, chặng cuối là giọng giã bạn.
Giọng lề lối: Trong đoạn mở đầu sẽ sử dụng giọng này, được diễn xướng với tốc độ chậm, nhiều luyến láy, nhiều tiếng đệm. Đôi lúc nhịp phách không rõ ràng, âm điệu thường ở âm khu thấp tầm cữ hẹp, ví dụ như các bài: Hừ la, Cây gạo, Tình tang, Cái ới cái ả…
Giọng sổng: Qua đoạn đầu giọng lề lối sẽ được chuyển sang giọng vặt. Ngoài chức năng nối giữa hai phần nó còn là tiêu đề cho sự phát triển khá độc đáo của hát quan họ. Với tính chất khoan thai mực thước, giọng sổng có ảnh hưởng tới những giai điệu tiếp theo ở giọng vặt.
Giọng vặt: Là các giọng thuộc phần chính của buổi ca hát. Ở giọng này, tính chất nghệ thuật được thể hiện rất cao. Âm nhạc ngắn gọn, bố cục chặt chẽ, tiết tấu linh hoạt chứ không đơn giản như giọng lề lối. Số lượng bài thì rất nhiều và những lời ca trong bài hát thì vô cùng phong phú. Ví dụ như các bài: Trống cơm, Qua cầu gió bay, Tương phùng – tương ngộ, Ngồi tựa mạn thuyền, 36 thứ chim…
Giọng giã bạn: Là giọng hát trước lúc chia tay. Số lượng bài bản ở giọng giã bạn không nhiều nhưng chất lượng nghệ thuật của các bài ở giọng này khá cao. Tiễn biệt là chủ đề chính được hướng đến. Vì vậy giai điệu thường buồn, nhưng rất mặn nồng đắm say như tình cảm thể hiện sự nhớ nhung của những liền anh, liền chị. Ví dụ như các bài: Người ở đừng về, Chuông vàng gác cửa tam quan, Kẻ bắc người nam, Chia rẽ đôi nơi, Con nhện giăng mùng…
Mỗi khi nghe quan họ, chúng ta luôn cảm nhận được tình cảm mặn nồng và trữ tình trong từng câu hát. Lời ca đầy chất thơ, họ đã sử dụng những câu hát ấy để thể hiện tình yêu thương, sự ý nhị. Lối hát quan họ giàu tính kỹ thuật như: hát ngắt, lảy hạt (hay còn gọi là nhả hột), rung giọng, ngân nga, nhiều luyến láy. Ngoài ý thơ chính, lời ca của bài hát quan họ còn có nhiều từ phụ, tiếng đệm… tăng thêm vẻ ngọt ngào làm say đắm lòng người.
Trên đây là những thông tin làn điệu hát quan họ Bắc Ninh. Hy vọng bài viết của chúng tôi đã cung cấp cho bạn nhiều điều bổ ích.