Ca trù không phải môn nghệ thuật phổ thông, bởi không phải ai cũng cảm thụ hết được cái hay và giá trị của hát ả đào. Càng tìm hiểu về nghệ thuật này, ta sẽ càng thêm yêu nét đẹp văn hóa dân tộc.
Lịch sử hình thành nghệ thuật ca trù
Hát ca trù, hay còn gọi là hát ả đào, đã ra đời từ khá lâu, tuy nhiên lại không tìm được nhiều tư liệu ghi chép lại.
Sách “Việt sử tiêu án” của Ngô Thời Sĩ cho rằng hát ca trù ra đời vào khoảng đầu thế kỷ 11, thời vua Lý Thái Tổ.
Một câu chuyện truyền miệng khác phổ biến hơn lại có bối cảnh thời nhà Lê. Truyện kể rằng có người tên là Đinh Lễ, quê ở làng Cổ Đam, Hà Tĩnh, thích đàn hát, tính tình phóng khoáng. Một lần nọ, Đinh Lễ được một cụ già tặng cho khúc cây ngô đồng và bản vẽ đàn, nói rằng cây đàn này sẽ đem lại hạnh phúc, an lành cho nhân dân. Quả nhiên điều này đã trở thành hiện thực. Cũng nhờ khúc nhạc từ cây đàn này, Đinh Lễ lấy được vợ là Bạch Hoa. Hai người sống với nhau hạnh phúc, thường xuyên dạy dân làng ca hát, nhảy múa. Từ đó về sau, để ghi nhớ công ơn tổ cô đầu, các đệ tử đã lập đền thờ hai người và ngày 11 tháng Chạp hàng năm lại kéo về tề tựu để tưởng nhớ họ.
Tuy đây chỉ là một câu chuyện truyền thuyết không có căn cứ, nhưng nhiều bằng chứng cũng đã chỉ ra rằng làng Cổ Đam chính là cái nôi của nghệ thuật ca trù.
Dần dần, ca trù phát triển mạnh mẽ hơn, len lỏi vào đời sống hàng ngày của người dân, cũng như lan rộng ra khắp miền Bắc, Trung.
Vợ chồng Đinh Lễ – Bạch Hoa được xem là tổ cô đầu của ca trù
Đặc điểm chính của loại hình ca trù
Hát ả đào có hệ thống quy tắc chặt chẽ về nhịp điệu, cách biến tấu, âm luật…, đem đến những giá trị mới mẻ và độc đáo.
- Phân loại
Hát ca trù được chia thành 3 loại chính, dựa trên phạm vi biểu diễn.
Hát chơi là loại ca trù biểu diễn tại cửa nhà đào nương hay nhà của bất kỳ ai yêu thích môn nghệ thuật này.
Hát cửa đình, đúng như tên gọi, được biểu diễn tại đình làng, vào những dịp đặc biệt, trang trọng.
Hát thi biểu diễn thường được tổ chức ở phạm vi 2 xã, huyện, tỉnh trở lên để tranh giải thưởng.
- Nội dung hát ca trù
Hát ca trù thường sử dụng chất liệu thơ phổ nhạc để chuyển tải thông điệp. Trong đó, thể thơ lục bát được dùng phổ biến và ưa chuộng nhất bởi sự gần gũi, vần điệu và dễ thuộc.
Tư tưởng chính trong mỗi bài hát thường là hình ảnh người quân tử hay nỗi niềm về đất nước, nhân thế. Tư tưởng Lão Trang với tinh thần tự do tự tại, nhiều mộng ảo và hưởng lạc cũng là một trong những nội dung chính mà ca trù truyền tải.
Cũng chính vì những tư tưởng có phần cao siêu đó khiến ca trù được xem như môn nghệ thuật bác học.
Hát ca trù gửi gắm nhiều tư tưởng lớn
- Nhạc cụ biểu diễn
3 nhạc cụ chính để biểu diễn ca trù là đàn đáy, phách và trống.
Trong đó đàn đáy là nhạc cụ đặc trưng nhất, gồm có 3 dây, thùng vuông và thân dài.
Phách được làm từ gỗ, tạo ra nhịp khi ả đào hát. Cùng với sênh, phách là nhạc cụ do chính đào nương gõ, được xem như tiếng hát thứ hai.
Trống trong ca trù có 2 loại là trống lớn có chiêng kèm theo và trống thính phòng loại nhỏ.
Ngoài ra, ca trù còn có nhiều đặc trưng văn hóa khác như bố cục, âm luật, đối âm thế, điệu múa khi hát… Để hiểu sâu hơn về loại hình này, bạn sẽ phải tốn khá nhiều thời gian, công sức để tìm tòi, cảm thụ và cần có những hiểu biết nhất định về âm nhạc.
Nghệ thuật truyền thống ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ. Tuy nhiên loại hình này đang dần bị mai một và cần được gìn giữ, phục hồi một cách mạnh mẽ hơn nữa.